Các chuyên gia khẳng định: Nếu sản phẩm không được làm từ cá và muối, nhất định không được gọi là nước mắm!
Phải xử như tội làm hàng giả
Mới đây, Thanh tra Bộ Y tế cho biết, đã lên kế hoạch đợt thanh, kiểm tra thị trường nước mắm, nước chấm thủ công và đóng chai. Mục tiêu của đợt thanh, kiểm tra này là làm rõ phản ánh của người tiêu dùng về tình trạng mập mờ, thiếu tin cậy về tên gọi, nhãn mác, chất lượng, phụ gia sử dụng trong sản phẩm nước mắm, nước chấm.
Thực tế, trên thị trường hiện nay, nếu để ý thành phần trong sản phẩm được gắn mác “nước mắm” thường bao gồm: Nước, tinh cốt cá cơm, muối, đường, chất điều vị, hương cá, chất bảo quản, chất tạo ngọt tổng hợp, màu pha chế… Cụ thể, những thương hiệu nước mắm nổi tiếng như: Nam ngư, Chin-su… cũng chỉ liệt kê có tinh cốt cá cơm nhưng không nêu hàm lượng cụ thể. Thay vào đó, nhà sản xuất liệt kê hàng loạt hóa chất, mì chính… chứa trong sản phẩm của mình.
Trao đổi với PV, TS. Nguyễn Tử Cương, chuyên viên cao cấp quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản, nhấn mạnh: Dù nước mắm cổ truyền hay sản xuất theo quy trình hiện đại đều phải dùng nguyên lý cơ bản: Cá được ướp muối và lên men dưới nền nhiệt độ thích hợp. “Nước mắm phải là sản phẩm thủy phân từ cá, nếu không phải từ cá thì không thể gọi là nước mắm”, ông Cương nói. Tuy nhiên, ông Cương cho rằng, hiện nay nhiều loại nước chấm vô tư gắn lên mình mác “nước mắm” đánh lừa người tiêu dùng. “Người ta chế hương nước mắm, thêm chất chống thối, đường, bột điều vị… khi ăn có vị ngọt lừ nhờ mì chính. Đây là hành vi làm hàng giả gắn mác nước mắm, đánh lừa người tiêu dùng, phải bị xử phạt như tội làm hàng giả mới xác đáng!”, vị chuyên gia bức xúc.
Ngoài ra, theo ông Cương, người tiêu dùng hiện nay còn bị các thương hiệu nước mắm “phỉnh lừa” với lời quảng cáo “nổ” về độ đạm siêu cao, có khi lên tới 50 – 60 độ đạm. “Với mẻ nước mắm đầu tiên, chất lắm cũng chỉ lên tới 35 độ đạm, thông thường người ta phải pha với các đợt rút sau để độ đạm đều và ngon hơn”, ông Cương cho biết.
Cơ quan quản lý cũng bất lực nếu…
Theo luật, Bộ Y tế chỉ là cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn cho nước mắm còn khâu quản lý chất lượng thuộc về Bộ NN&PTNT. Tuy nhiên, hiện nay, hồ sơ công bố sản phẩm mặt hàng này lại do Bộ Y tế thẩm duyệt và cấp phép. Chính vì thế, trước thông tin Bộ Y tế có quyết định thanh tra chất lượng nước mắm đóng chai, dư luận đặt nghi vấn: Liệu có hay không sự quản lý chồng chéo giữa các cơ quan chức năng?
Mới đây, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương cũng thừa nhận: “Cả nước hiện có hàng trăm cơ sở sản xuất nước mắm nhưng cơ quan quản lý Nhà nước chỉ mới quản lý được một số doanh nghiệp sản xuất lớn. Theo quy định hiện nay, doanh nghiệp làm nước mắm sẽ tự công bố chất lượng sản phẩm, sau đó sẽ hậu kiểm. Nhưng thực tế, công tác hậu kiểm bị bỏ ngỏ, do hạn chế về nguồn lực”.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ hơn 200 triệu lít nước mắm với tổng doanh thu trên 7.000 tỷ đồng.Trong đó, có tới 150 triệu lít là nước mắm công nghiệp, tương đương khoảng 75%.
Mặt khác, các chuyên gia lại tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả của cuộc thanh kiểm tra trên. Theo PGS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm (ĐH Bách khoa), nếu không rạch ròi khái niệm “nước mắm” và “nước chấm” để có chuẩn mực phân biệt thì chính cơ quan quản lý cũng phải bất lực.
Đáng chú ý, quy chuẩn nước mắm được xây dựng năm 2012 cũng nhấn mạnh chỉ áp dụng đối với sản phẩm được sản xuất bằng phương pháp lên men từ cá và muối. “Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay, những thứ nước chấm được sản xuất bằng cách mua mắm cốt về để pha chế, kèm thêm chất tạo ngọt, phụ gia và các chất bảo quản khác… được gọi là gì?”, ông Thịnh đặt câu hỏi và nhấn mạnh: “Trong thương mại, cần có khái niệm rõ ràng, không thể đánh lận con đen!”.
Theo ông Thịnh, để đánh giá xác minh phân biệt giữa nước mắm – nước chấm cần có tiêu chí xác đáng. “Nếu chỉ dựa vào độ đạm để đánh giá thì là điều sai lầm bởi các nhà sản xuất nước chấm cũng có rất nhiều cách tăng giả độ đạm trong sản phẩm của mình”.
Qua đây, vị chuyên gia đề xuất cách phân biệt nước mắm bằng chính đặc trưng của sản phẩm. “Nước mắm có đặc trưng nhất là nồng độ đạm thối, không thể tách ra được bởi nó chính là đạm làm phân hủy cá, nó không có hại cho cơ thể. Nếu sản phẩm phân hủy từ axit hay các thành phần khác đều không thể có đạm thối”, ông Thịnh phân tích.
Báo Giao thông