Nước mắm cá cơm Phan Thiết là một thương hiệu nước mắm (nước cốt chiết xuất từ cá ngâm muối) ngon của tỉnh Bình Thuận, tỉnh cực nam của miền Trung Việt Nam.
Theo dòng lịch sử
Nước mắm cá cơm Phan Thiết thuộc loại “lão làng” và đã có mặt ở hầu hết tại các thị trường trong nước. Nước mắm cá cơm Phan Thiết đã có từ thời Phan Thiết có tên là Tổng Đức Thắng (1809). Những nhà làm nước mắm khi đó đã làm được nhiều nước mắm và bán ở Đàng Ngoài.
Phương pháp sản xuất nước mắm
- Nguyên liệu
Nước mắm cá cơm Phan Thiết chủ yếu được làm từ cá cơm và muối hạt.
Có nhiều loại cá cơm như cá cơm sọc tiêu, cơm than, cơm đỏ, sọc phấn, phấn chì, cơm lép… nhưng ngon nhất là cá cơm than và sọc tiêu. Cá cơm, xuất hiện từ tháng tư cho đến tháng tám âm lịch, là loại cá nhỏ, con to chỉ bằng ngón tay út hay bằng chiếc đũa, nhưng phân rã thành mắm nhanh, nên thời gian thành nước mắm cũng ngắn. Tuy nhiên, nhiều nhà làm nước mắm lâu năm cho biết chất lượng còn phụ thuộc vào thời gian đánh bắt cá, nhất là cá tháng tám, con nào cũng đều béo mập thì nước mắm mới ngon và đạt độ đạm cao nhất.
- Cách muối
Được chia làm 2 cách để phân biệt
- Nước mắm làm bằng thùng (giống cách làm của nước mắm Phú Quốc và các vùng khác):
Cá cơm đánh bắt về được chọn lựa kỹ, bỏ những con to hay nhỏ quá hoặc không tươi. Khi muối, không rửa lại vì trước khi đem lên bờ, cá đã được rửa bằng nước biển. Người ta dùng loại thùng gỗ hình trụ gọi là thùng lều, cao 2 – 2,5 m, đường kính 1,5 – 2 m, dung tích từ 3-10 tấn để muối cá. Sở dĩ người ta phải dùng loại gỗ mềm như bằng lăng, mít, bờ lời để làm thùng là vì khi “niền” lại bằng dây song, chạy quanh mặt ngoài thân thùng, các mảnh gỗ được siết chặt vào nhau, không còn khe hở.
Ở khâu muối cá, tỷ lệ được áp dụng là 10 cá 4 muối, hay 3 cá 1 muối. Hai thành phần đó được trộn chung cho thật đều tay nhưng không được làm nát cá. Sau đó cho cá vào thùng lều. Có khi người ta lại xếp một lớp cá, một lớp muối hạt. Khi nào đầy thùng thì phủ lên trên một lớp cá kè đã được kết lại như tấm chiếu, rồi dùng nhiều thanh củi cài chặt lại. Thợ muối cá còn đặt lên trên mấy hòn đá to, tròn trịa và nhẵn thín để nén lớp cá bên dưới xuống.
Theo thời gian, chất nước từ cá ứ ra được dẫn ra ngoài qua một lỗ đục ở đáy thùng. Nước mắm không lấy một lần là dùng được mà phải lọc đi lọc lại. Cho nước đầu tiên thấm qua lớp cá rồi đi ra thùng hứng, làm như thế mỗi ngày một lần. Chừng năm hôm sau là nước “chín”, tức đã thành nước mắm.
- Nước mắm làm bằng lu (người Phan Thiết áp dụng phổ biến cách làm nước mắm bằng lu)
Cách này chỉ khác với nước mắm bằng thùng ở chỗ, nước mắm làm bằng lu vẫn theo cách làm giống hệt nước mắm bằng thùng. Tuy nhiên, khác nhau là những thùng lớn được thay bằng lu, thay vì để thùng trong nhà chờ thủy phân thì cách làm bằng lu là đem trực tiếp các lu ra ngoài nắng phơi trực tiếp .
Phân loại nước mắm
Nước mắm có thể phân loại thành: “nước bổi”, “nước đục” và “nước nhỉ”. Nước bổi là nước muối, rửa cá lúc cá còn tươi. Nước đục là nước bổi đã đi qua lớp cá đã muối, màu nước đục nhưng vị đã ngon. Nước ép, hay nước nhỉ, là nước đục đưa vào thùng mắm cái, đóng lù lại vài ba hôm rồi cho mắm rỉ ra từng giọt, phải mất mươi hôm mới lấy hết nước. Đây là tinh hoa của nghề làm nước mắm. Nước trong veo màu hổ phách toả ra mùi thơm phức, có độ đạm 30 độ. Người ta đánh giá chất lượng nước mắm bằng cách ngửi hay nếm thử.
Khác biệt nước mắm cá cơm giữa các vùng
Nước mắm Phan Thiết có hương vị đặc trưng bởi có thêm quá trình ủ dưới trời nắng và gió của vùng cực Nam Trung bộ. Tuy nhiên, đối với những người làm nước mắm lành nghề, họ vẫn nhận ra sự khác nhau rõ rệt giữa hương vị nước mắm mỗi vùng, mỗi làng nghề ở Phan Thiết:
- Khu vực phường Thanh Hải: thường thì du khách thích mua nước mắm ở đây vì nó có vị mặn thích hợp, màu rất đẹp (nhưng để lâu dễ bị xuống màu), nguyên liệu là cá cơm có pha thêm phụ gia. Sản phẩm sản xuất tại đây theo kiểu cơ sở hộ gia đình, được tiêu thụ tại thị trường TPHCM, Đồng Nai và tiêu thụ nội bộ. Tại đây còn sản xuất ra các sản phẩm gốc mắm như: mắm nêm, mắm tôm, mắm ruốc…
- Khu vực các phường trung tâm Phan Thiết và khu chế biến nước mắm Phú Hài: vị mặn nhất, sản xuất đại trà, sản phẩm bán tại các khu nghỉ dưỡng, cơ sở du lịch, siêu thị trên địa bàn Phan Thiết, thị trường mở rộng ra các tỉnh Miền Trung, Miền Bắc và xuất khẩu. Ngoài cá cơm ra, một số cơ sở còn dùng cá nục làm nguyên liệu (giống như nước mắm Nha Trang, Phú Quốc).
- Khu vực phường Hàm Tiến-Mũi Né: nước mắm tại khu vực này có thể nói là tốt nhất vì nguyên liệu làm từ cá cơm và không có phụ gia. Tuy nhiên, sản phẩm sản xuất ra rất hạn chế.
Nước mắm cá cơm nhỉ HẢI TRUNG đã trải qua nhiều đời gia truyền, chắt lọc tinh hoa, kinh nghiệm trên 40 năm nên sản phẩm cho ra luôn thơm ngon đặc biệt theo một bí quyết riêng không đâu có được.