1. Chọn nguyên liệu chuẩn
Có nhiều loại cá có thể làm nước mắm như cá sông, cá biển. Trong đó cá biển được chọn nhiều hơn. Về cá biển thì có nhiều loại như cá nục, cá cơm đều có thể làm nước mắm. Tuy nhiên, ngon nhất vẫn là nước mắm cá cơm vì có độ đạm phù hợp, mau phân hủy và cho mùi hương hợp khẩu vị truyền thống.
Chất lượng của nguyên liệu quyết định một phần chất lượng của thành phẩm, vì vậy việc chọn muối và cá trước khi làm nước mắm là rất quan trọng.
- Chọn muối: Muối Cam Ranh hạt vừa, trắng đục, khô, ít tạp chất, dùng muối cá tốt, cho nước mắm ngon. Theo tỉ lệ 3 cá, 1 muối trộn lẫn thành chượp, cho vào thùng gỗ hoặc bể xi-măng, gài nén, kéo rút nước liên tục trong 6 tháng thì lấy được mắm. Nếu muối mặn quá sẽ làm cá tê cứng lâu, kéo dài thời gian thủy phân, còn muối nhạt quá cá sẽ thủy phân nhanh đồng thời nước mắm có mùi thối.
- Chọn cá: Chọn các loại cá tầng nổi như nục, cơm, trích, lầm, sơn, gió… Cá cơm than, cơm nồi, cơm ba lài cho nhiều nước mắm thơm; cơm đỏ, cơm trắng, cơm săn tỉ lệ vẩy và xương lớn, cho ít nước. Cá nục xương cho nhiều nước, nhưng thời gian phân hủy lâu, ít thơm; nục gai tỉ lệ vẩy và xương lớn, cho ít nước. Các loại trích, lầm, sơn, gió tỉ lệ vẩy và xương lớn, cho ít nước, ít thơm. Không dùng cá quá tuổi, cá ươn, nên mua cá vừa mẩy mình, đặt cá nằm dán sát vào nhau trong thùng kín đáy. Tránh để cá bị mất nước trong quá trình vận chuyển hoặc tạm chứa chờ xử lý muối. Cũng không dùng nước lã để rửa cá, vì cá ở biển vớt lên tương đối sạch.
2. Đúng mùa
Mùa cá cơm bắt đầu từ khoảng tháng 8 đến tháng 2 hàng năm. Trong đó thời điểm cá béo và ngon nhất là khoảng tháng 10 – 12. Nếu mua số lượng vừa, ít thì nên chọn các tàu đánh bắt trong ngày. Cá có độ tươi nhờ thời gian đi biển ngắn. Nên chọn cách ướp muối ngay sau khi cá lên thuyền (như tại vùng biển Phan Thiết, Phú Quốc) để cá giữ độ tươi ngon. ca com den
3. Công thức ướp truyền thống
Theo bà Yên, tỷ lệ muối nước mắm truyền thống của dân ta là 4:1, tức 4 cá – 1 muối trộn đều gọi là chượp. Còn đa phần các hãng nước mắm lớn lại chọn tỉ lệ 3:1. Nên nước đầu muốn ăn được phải pha thêm nước sôi để nguội, nếu không sẽ mặn đắng. Còn tỉ lệ muối ít thì cá bị ươn hoặc có mùi thum thủm sẽ “gây khó” cho khẩu vị.
4. Kiểm soát màu, vị tự nhiên
Ngoài “tỷ lệ vàng” 4 -1 kinh nghiệm dân gian còn cho thêm 1 phần trái thơm (khóm) chín gọt vỏ, xắt lát vào chượp. Và sơ đồ 4 – 1 – 1 (tức 4 cá, 1 muối, 1 khóm) được nhiều người ví là “kim cương”. Một số kinh nghiệm khác thì nên thêm vào chượp một ít mật ong hoặc nước đường. Thơm, mật ong, nước đường có tác dụng làm nước mắm dậy mùi thơm đặc trưng, đồng thời cho màu đẹp và cân bằng độ mặn cho nước mắm.
5. Dụng cụ chứa đựng
Dụng cụ đựng nước mắm dùng cho gia đình là mái, lu, kiệu tùy theo số lượng cá. Bà Yên hay dùng kiệu để ướp mắm. Theo bà, kiệu là đất nung sẽ tốt cho sức khỏe hơn mái xi măng hoặc đồ nhựa. Chuẩn bị sẵn dụng cụ trước khi bỏ nguyên liệu vào sẽ tránh vất vả sang chiếc sau này. Vòi xả nước mắm thường bán sẵn, loại dùng cho ngành nước. Phía dưới đáy là lớp cát hoặc cỏ tranh, kế đến là sỏi nhỏ, đến sỏi lớn, đến đá nhỏ, đá lớn. Những lớp lược này có tác dụng chặn cặn bả cho nước mắm trong không lẩn bợn khi dùng.
6. Bảo quản và sử dụng
Chượp sau khi được ủ trên dưới một năm thì ăn được tùy theo để ngoài nắng hay trong mát mà không cần phải đun nấu. Và càng để lâu thì nước mắm càng ngon do cá thủy phân trọn vẹn. Nhớ đậy đệm cẩn thận tránh ruồi nhặng, chuột bọ, bụi bẩn,…rơi vào. Muốn chượp mau tan cứ khoảng nửa tháng khuấy đảo một lần. Làm vậy cá mau phân hủy và chất lượng nước mắm đồng đều. Có người dùng máy bơm hồ cá cảnh để khuấy đảo thì lượng nước luân chuyển sẽ liên tục. Nước mắm sẽ mau ăn và dậy mùi thơm đặc trưng hơn. Nước mắm đạt chất lượng có màu từ cánh gián đến vàng rơm tùy vào loại cá và điều kiện thời tiết. Mang hương thơm đặc trưng không quá nặng mùi hay bị khứu. Nhắm vào có vị mặn vừa miệng và hậu ngọt tự nhiên mà không cần bất cứ một loại gia vị bổ sung nào khác.
Thành phẩm là nước mắm các loại được rút ra từ chượp chín từ cuối tháng thứ tư đến tháng thứ sáu, gồm:
- Nước mắm cốt là loại nước mắm thượng hạng có màu vàng rơm đến cánh gián, hương thơm, vị ngọt dịu đậm, độ đạm cao (25 g/l), càng để lâu càng thơm ngon và có màu u đen lại, làm gia vị cho thức ăn cao cấp. Loại này dân gian còn gọi là nước mắm nhỉ vì được kéo chảy nhỏ đến thật nhỏ, nhỉ từng giọt.
- Nước mắm loại 1: do nước chan kéo qua chượp đã rút 90% cốt, hàm lượng đạm 15 g/l, dùng làm nước chấm.
- Nước mắm loại 2: do nước chan kéo qua bã chượp đã rút 90% loại 1, hàm lượng đạm 10 g/l, dùng để nấu, nêm
- Nước mắm loại 3: do nước chan kéo qua bã chượp đã rút 90% loại 2, hàm lượng đạm thấp, dùng làm nước chan chượp cho mùa mắm sau. Sau một năm thì rút hết mắm, phá xác. Xác mắm đem làm phân bón hay thức ăn gia súc rất tốt.